Thách thức và vấn đề tự rèn luyện
Chia sẻ trên :
20-11-2023
Có câu chuyên về sự thách thức và vấn đề tự rèn luyện?
” Bác ơi, Bác và rất nhiều bạn đã chia sẻ về lộ trình học tập, tài liệu. Chỉ cần chịu khó đọc FB của Bác là em nghĩ các bạn sẽ phần nào nhìn ra con đường mình cần đi. Nên hôm nay em viết thư này, thay vì báo cáo Bác tài liệu em đã dùng cho con suốt 5 năm qua, đường đi nước bước của mình, thì em xin phép tóm tắt lại về “sợi dây kinh nghiệm” mà Bác đã từng chỉ ra cho chúng em, nhưng em rút mãi vẫn chưa xong Bác ạ!
Trước hết em xin tóm tắt một chút về tình trạng của nhà em: Em có 2 bạn 2011 và 2014.
Đi theo con đường Bác chỉ đã được 5 năm và đến giờ thì so với bạn bè, 2 bé có sức học tốt, luôn đạt kết quả cao trong học tập.
Cả 2 bạn đều đang học Archimedes Đông Anh (ngay khi trường mở, em đã quyết tâm chuyển trường cho con, để con được học ở môi trường tốt, “có lửa, có sóng” để con có cơ hội rèn khí chất, phát triển).
Nhờ Mẹ được giác ngộ sớm nên việc học hành của 2 bạn ở trường lớp khá thuận lợi, các con tự tin trong học tập.
Bạn 2011 luôn ở top đầu, môn Tiếng Anh là thế mạnh và con đã có được vài kết quả cao ở một số cuộc thi. Ngoài văn hóa, con học đàn piano một cách bài bản và đã thi đỗ vào trường nghệ thuật để được học ở môi trường chuyên nghiệp nhất.
Bạn 2014 là con trai, rèn con vất vả hơn chị nhiều, nhưng con thông minh, nhanh nhẹn,vừa rồi cũng được xếp vào lớp quốc tế của trường.
Nhà em vẫn áp dụng đúng bài Bác đã chỉ “năng lượng thừa của con phải sử dụng vào việc có ích như chơi thể thao, các môn kĩ năng”. Vì vậy, các con luôn kín lịch hoạt động. Kể dài dòng như vậy, không phải để khoe chiến tích với Bác, mà chỉ là để các bạn chưa bắt tay vào làm thấy là cứ đi thì sẽ đến, chỉ cần có mục tiêu và kiên trì, bền bỉ.
Giờ em xin đi vào phần chính là các bài học kinh nghiệm – Bác đã từng chỉ cho, em đã nhận thấy nhưng vẫn chưa làm được hoặc làm chưa đến nơi đến chốn. Qua đó, em mong sẽ có cơ hội gặp trực tiếp Bác để được Bác hướng dẫn, để em được gặp các Mẹ chung định hướng nhằm giúp Mẹ con em đi đúng đường ray, nhất là khi con gái em đang ở giai đoạn quan trọng là 2 năm học cuối của Tiểu học và chuẩn bị vào tuổi dậy thì dở dở ương ương: sau đây là Thách thức và vấn đề tự rèn luyện
Bài học1: “Thêm lạc thì bớt đậu”.
Bác đã từng chia sẻ là là cấp 1 con chỉ cần học thật vững ngoại ngữ thứ 1 vì nếu chỉ học ngoại ngữ thứ 2 để biết thêm vài câu giao tiếp sẽ rất lãng phí thời gian, tiền của. Tham quá thì cái gì cũng làng nhàng, không có cái gì vượt trội. Ấy thế mà em vẫn tham, vẫn sốt ruột nên cho con học thêm ngoại ngữ thứ 2. Con vẫn tiếp thu tốt nhưng vì thời gian thì có hạn nên không áp dụng được nguyên tắc 10.000 giờ như đã từng áp dụng khi con học tiếng anh. Đó là ngày nào cũng phải kiên trì, bền bỉ. Kết quả là cứ học được một thời gian là lại ngãng ra, lên dây cót đều đặn được đôi ba tháng thì lại về số 0.
Bài học2: “Học tập là rèn luyện”
Học tập không đơn thuần chỉ là quá trình học kiến thức bản thân mà là quá trình rèn luyện của cả con và Mẹ. Quá trình này rèn con 1 thì rèn Mẹ 10. Và đến giờ em vẫn thấy mình thất bại trong việc tự rèn bản thân. Là vẫn thường xuyên “dìm con”, so sánh con với bạn A bạn B, vẫn chỉ trích con. Là giao bài cho con nhưng có khi mẹ dồn lại cả tuần mới chấm chữa, con hoàn thành không xong bài mẹ giao thì mẹ nạt, mẹ quát. Là mẹ thường xuyên khoán bài cho con kiểu giao bài 1 xong lại khuyến mại giao tiếp bài 2, bài 3 mà chả cần biết tâm trạng của con như thế nào. Là mẹ tham quá, đặt ra nhiều mục tiêu, Tiếng Anh phải giỏi, toán cũng phải giải băng băng, đàn cũng phải thành thục. Tóm lại là cái gì cũng muốn con đã học là phải giỏi, ép con quá nên con đã phải kêu lên “sao mẹ ép con học nhiều thế!”.
Em vẫn thuộc bài mà Bác bảo, Mẹ phải biết dỗ để con gần mình hơn, càng chơi với con thì con càng yêu mình hơn, ngoan và nghe lời mình hơn. Nhưng những lúc ba máu sáu cơn thì lại quên hết sạch, lúc đấy chỉ quát và quát.
Thế là em thất bại rồi phải không ạ? Rèn con nhưng chưa rèn được mình.
Em đã đề ra được mục tiêu, lên được kế hoạch cho con, nhưng vẫn chưa huấn luyện được con biết việc của mình. Chủ yếu con làm là do mẹ bắt, mẹ ốp, chứ chưa có sự tự giác, tự học – mà cái này em nghĩ mới là điều quan trọng nhất, cần rèn nhất.
Bài học 3: “Không thích cũng phải làm”
Em đã luyện được cho con hiểu rằng có những việc mà mình không thích cũng phải làm. Ví dụ: con rất ngại học toán, nhưng con vẫn phải dành thời gian cho toán. Con không thích việc ngày nào cũng phải tập đàn, nhưng con vẫn phải luyện tập đều đặn mỗi ngày 45p-60p. Nhưng em chưa luyện được điều này cho mình, Bác ạ!
Mặc dù con vẫn làm toán đều nhưng hiện tại môn Toán con học chưa được tốt. Và nguyên nhân là ở Mẹ, vì mẹ không thích và không chịu làm.
Cụ thể là: Toán cơ bản với con thì ok, nhưng ở trường của con thì phải học tốt cả toán nâng cao. Mà để kèm được con phần này thì Mẹ phải tự đọc trước để biết và hướng dẫn con. Mẹ vốn dĩ dốt toán, ngại toán, không thích toán. Mẹ muốn con đừng giống Mẹ. Nhưng Mẹ thường lần nữa, ngại tìm hiểu, ngại xem trước để giảng giải cho con nên hay để kệ con bơi với toán nâng cao. Kết quả là toán của con chỉ ở mức trung bình. 2 năm cuối tiểu học của con, môn Toán đặc biệt quan trọng, em đang cố gắng để sửa sai ạ!
Bác ạ, 5 năm áp dụng phương pháp mà Bác chia sẻ, dù Bác đã nói rằng: “Không phải Chị nói cái gì cũng đúng đâu nhé!”, nhưng đến giờ phút này em thấy những điều Bác chia sẻ đều đúng cả.
3 Bài học em kể ở trên chỉ là một vài ví dụ trong những điều Bác đã nói, em đã biết mà làm vẫn chưa được. Vì nguyên nhân là ở chính mình.
Em mong có được cơ hội gặp Bác lần tới, được gặp những Mẹ chung chặng đường đồng hành của con, để có thêm chia sẻ và bài học để điều chỉnh chính mình, để mình học cách làm thế nào bớt áp lực, bớt kì vọng ở con, để mình uyển chuyển hơn khi chăm sóc và dạy dỗ con.
Chúc Bác có 1 ngày nghỉ lễ vui vẻ và sẽ có 1 năm học mới với những dự định, kế hoạch đều thành công ạ. “
Trên đây, là toàn bộ câu chuyện về sự thách thức và vấn đề tự rèn luyện
-Nguồn Nguyễn Hồng Hạnh (Laida)